Thế là phải lao đầu đi tìm hiểu giữa đống báo cũ bám đầy bụi thời gian, và tìm lại những người đã gần đất xa trời...
Sự phá sản của đại tá Ducoroy
Theo tài liệu của Liên đoàn Môtô & xe đạp VN, môn đua ngựa sắt bắt đầu du nhập dải đất hình chữ S từ cuối thế kỷ 19. Có hai nhân vật được xem là có công đặt nền móng cho môn thể thao này phát triển tại VN: ở Sài Gòn là cụ Trần Văn Chánh - một giám thị ngành tiện trong nhà máy Ba Son (sinh 1884 - mất 1952).
Còn phía Bắc là cụ Vũ Tư Đường (sinh 1881 - mất 1948), người làng Cự Đà, Hà Tây - một nhà tư sản dân tộc khét tiếng thời ấy, được mệnh danh là “vua ôtô”, ngang ngửa với “vua tàu thủy” Bạch Thái Bưởi.
Nhưng xe đạp chỉ thật sự phát triển mạnh mẽ trong những năm đầu thập niên 1940, và người “có công” là đại tá Ducoroy. Đây là một tay thực dân cáo già, rất rành rẽ về thể thao và muốn mượn thể thao để ru ngủ các tầng lớp thanh niên VN, hướng họ đến với thể thao mà quên đi phong trào chống thực dân Pháp.
Nhưng Ducoroy đã thất bại. Người Việt vẫn hướng đến thể thao một cách nhiệt thành, nhưng không vì thế mà quên đi nhiệm vụ cao cả của mình. Người ta đến với thể thao để rèn luyện sức khỏe, và chuyện ấy giúp ích không ít cho cuộc kháng chiến chống Pháp.
Bằng chứng là chúng ta đã có những cuarơ giỏi như Vũ Văn Bảy, Nguyễn Văn Cộ... rời yên xe đạp đua chuyển sang xe đạp thồ để phục vụ chiến dịch Điện Biên. Hay “hùm xám” Vũ Văn Thân - cháu nội của “vua ôtô” - đã tích cóp toàn bộ tiền thưởng có được tại các cuộc đua, lên đến 10.000 đồng Đông Dương (rất lớn lúc bấy giờ), cùng gia sản của ông cha để lại nhằm mua xe bọc thép phục vụ công việc tải đạn cho chiến dịch Điện Biên.
Nơi “phượng hoàng” ra đời
Phải hơn chục năm sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, ở một cuộc đua xuyên Việt chúng ta mới dám tính đến việc cho phép các tay đua đổ đèo Hải Vân. Chúng tôi chưa được vinh hạnh thử cảm giác đổ dốc Đệ nhất hùng quan, nhưng nghe nhiều đồng nghiệp kể lại thì khiếp lắm, dù chỉ là ngồi trên những chiếc môtô gần cả ngàn phân khối. Còn các tay đua thì bảo: “Kinh lắm. Gió rít eo éo bên tai, tốc độ lên đến 80-90km/giờ, cơ mặt cứ nhảy lưng tưng vì gió quật. Khi ôm cua ở những khúc tay áo, mồ hôi lạnh cứ túa ra”.
Ấy vậy mà hơn 50 năm trước, ở cuộc đua Hà Nội - Sài Gòn - Phnom Penh (15 chặng, dài 2.183km) vào năm 1941 - 1942, các chàng trai Việt (có cả người Campuchia, lính viễn chinh Pháp cùng tham gia) đã đổ đèo Hải Vân ào ào!
Nhưng, độc đáo nhất, gan dạ nhất là Lê Thành Các - một tay đua của đất Sài Gòn, đã không xuống đèo bằng trớn như mọi người, mà lại còn nhấn bàn đạp liên tục! Ông Lê Văn Long, một lão tướng hiếm hoi còn sót lại của thời ấy, nay đã 80 tuổi tròn, kể: “Ảnh gan ghê lắm. Khi đổ đèo vượt qua mặt luôn cả xe Jeep mở đường khiến mấy tên lính Pháp la hoảng”.
Các không phải đua xe nữa mà là bay. Hình ảnh ông trên con ngựa sắt “bay” vòng vèo, chấp chới qua những khúc cua cùi chỏ khủng khiếp trên Đệ nhất hùng quan đã khiến giới báo chí ngày ấy ví là những cái vỗ cánh của phượng hoàng! (Dù ở cuộc đua ấy Lê Thành Các chỉ xếp thứ nhì, sau một đồng đội là Nguyễn Văn Thêu).
Đỉnh cao của “phượng hoàng” là tại cuộc đua xuyên Đông Dương lần 1 diễn ra sau đó một năm. Tham dự cuộc đua này có tất cả 25 đội, rời Sài Gòn ngày 29-12-1942 và về đích cũng tại Sài Gòn vào ngày 4-2-1943. Đây là cuộc đua hùng vĩ nhất trong lịch sử xe đạp thể thao VN, khi các cuarơ đua tài hơn một tháng trời trên một chặng đường dài gần 3.000km (cuộc đua Đông Dương lần 2 chỉ dài 2.500km vào năm 1944). Lê Thành Các đã chiến thắng ở cuộc đua kỳ vĩ này, còn người về nhì là “hùm xám” Vũ Văn Thân.
Ba tháng sau khi đăng quang vòng Đông Dương lần 1, tại Hà Nội đã diễn ra một cuộc đua “chiến tranh giữa các vì sao”! Chỉ dành cho 15 tay đua mạnh nhất thời bấy giờ của Đông Dương, gồm: Lê Thành Các, Nguyễn Thành Phương, Lher, Nguyễn Văn Ba, Vũ Văn Thân, Michon, Thibaut, Vanleng, Franchi, Huỳnh Ngọc Chánh, Rouget, Nguyễn Văn Lầu, Nguyễn Văn Đượm, Nguyễn Văn Sơn và Nguyễn Phát Giá.
“Phượng hoàng” lại về nhất ở cuộc đua này và được trao tặng danh hiệu “Chúa tể xe đạp Đông Dương”.
“Thiết cước đại vương”
Hồi mới vào nghề phóng viên thể thao (1993), tôi được giao phụ trách theo dõi môn xe đạp. Tính lại ưa nghe chuyện xưa tích cũ nên tôi rất thích sưu tầm giai thoại. Hồi đó ông Nguyễn Đông Châu - trưởng bộ môn xe đạp thể thao TP.HCM - có kể cho nghe về sự ra đời của biệt hiệu “thiết cước đại vương” mà các nhà báo Thiệu Võ, Huyền Vũ... đã đặt cho Trương Kim Hùng.
Ông Châu kể: “Hùng hồi đó đã có tiếng, khi dự SEAP Games đầu tiên vào năm 1969 đã đoạt ngay 1HCV, 3HCB và 1HCĐ. Có người thách đố anh đạp xe từ Sài Gòn đi Cấp (Vũng Tàu) một mình và luôn luôn phải nhấn bàn đạp chứ không được ngưng một guồng chân nào. Hùng nhận lời và anh đã thắng cuộc, dù khi đến Vũng Tàu đã ngã vật ra muốn xỉu”.
Các bạn nên nhớ một cầu thủ bóng đá chơi 90 phút nhưng người ta chỉ thật sự chạy trong vòng khoảng 30-35 phút. Một cuarơ xe đạp chạy 120km nhưng không phải lúc nào cũng nhấn bàn đạp mà phải ngưng guồng chân để nghỉ mệt, chỉ chạy bằng trớn.
Vì vậy việc nhấn bàn đạp liên tục trong vòng ba giờ đồng hồ là điều khó thể thực hiện. Biệt hiệu “thiết cước đại vương” được đặt cho Hùng là một điều xứng đáng.
Trong làng đua xe đạp thể thao VN, nhà họ Trương của Hùng có lẽ cũng không ai hơn nổi Hùng. Người cha, ông Trương Ty, là một tay đua khá nổi tiếng, chỉ sau “phượng hoàng” vài năm. Đến đời con của ông Tỷ, ngoài Hùng còn có những Trương Thanh Sĩ, Trương Tấn Quang... Thú vị hơn, đến thế hệ thứ ba, Trương Quốc Thắng cũng là một tay đua xứng đáng ghi danh vào lịch sử thể thao nước nhà với chiếc HCV châu Á 2000.
Đây là chiếc HCV châu Á thứ hai của xe đạp VN, sau Nguyễn Văn Châu đoạt được ở môn nước rút tại Tokyo 1961. Thắng giống cha (Trương Kim Hùng) ở chỗ đến với xe đạp từ rất sớm (14 tuổi) và ngay lập tức tạo được tên tuổi. Bên cạnh đó, Thắng còn được truyền trong máu mình cái tính cách mạnh mẽ, tự tin, không kiêng dè trước bất kỳ đối thủ nào.
Tôi nhớ ông Hùng (Việt kiều Mỹ) trong lần về nước đầu tiên để kèm cặp cho cậu con trai vừa mới ra ràng dự Giải đồng bằng sông Cửu Long 1994, trên chuyến phà qua bắc Mỹ Thuận, ông lôi Thắng ra một góc và bảo: “Nó hai chân, mình cũng hai chân, việc gì mà sợ, cứ đeo bám hết sức đi”! Năm ấy, cuộc đua này có các tay đua danh tiếng của Thái Lan là Thong Lao với Visut, những người mà ngay cả lúc chưa xuất phát thì các tay đua VN cũng đã an phận thủ thường chịu nhịn cho họ cái giải nhất!
Sau đó vài năm, tôi có gặp lại ông Hùng trong một cuộc đua cúp truyền hình. Ông vẫn “máu” như thời trai trẻ, đi làm dành dụm được bao nhiêu tiền là lo trang bị xe xịn cho con đi đua. Nhưng ông buồn bã tâm sự: “Nhà nước mình đầu tư cho thể thao cũng dữ, hoạt động phong trào cũng sôi nổi, thế mà không biết làm sao mãi vẫn chưa tìm lại được cái HCV SEA Games nào.
Thời bọn tôi, xe thi đấu là sử dụng dĩa 53 răng - líp 13 răng. Rồi bây giờ mấy chục năm sau cũng chẳng khác đi; trong khi các cuarơ nước ngoài đều chơi dĩa 56-lip 13 (đạp nặng hơn nhưng chạy nhanh hơn, cần thể lực tốt). Tôi thật sự không hiểu, không hiểu nổi vì sao tiến quá chậm dù điều kiện không tệ?”.
Câu hỏi của “thiết cước đại vương” cũng là câu hỏi chung, chưa có lời đáp, của những ai yêu mến xe đạp thể thao...
Shopxedap.vn (nguồn:ST )